Suy dinh dưỡng là tình trạng bao gồm thừa dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng. Những người thiếu dinh dưỡng có thể bị sụt cân, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng hoặc bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Mặt khác, thừa dinh dưỡng có thể dẫn đến thừa cân, béo phì và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Cả hai loại đều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.
Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi chế độ ăn uống của bạn không có đủ chất dinh dưỡng, nói cách khác, đó là sự thiếu hụt hoặc tiêu thụ quá nhiều chất dinh dưỡng.
Các loại suy dinh dưỡng bao gồm:
- Thiếu dinh dưỡng (Undernutrition): Loại suy dinh dưỡng này là kết quả của việc cơ thể không nhận đủ protein, calo hoặc vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Nó dẫn đến các tình trạng cân nặng so với chiều cao thấp (gầy còm), chiều cao thấp theo tuổi (thấp còi) và nhẹ cân so với tuổi (nhẹ cân).
- Thừa dinh dưỡng (Overnutrition): Tiêu thụ quá nhiều một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như protein, calo hoặc chất béo cũng có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Điều này thường dẫn đến thừa cân hoặc béo phì.
Nhìn chung, những người thiếu dinh dưỡng thường có xu hướng thiếu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin A và i ốt. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng có thể xảy ra khi bạn bị suy dinh dưỡng.
Đối với tình trạng thừa cân hoặc béo phì có thể xảy ra do cơ thể tiêu thụ quá nhiều calo nhưng không nhận đủ vitamin và khoáng chất cùng một lúc. Thực phẩm cũng là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng thừa dinh dưỡng, chẳng hạn như các thực phẩm chiên rán và nhiều đường, có xu hướng chứa nhiều calo và chất béo nhưng lại ít các chất dinh dưỡng cần thiết khác.
Nguyên nhân bệnh Suy dinh dưỡng
Nguyên nhân suy dinh dưỡng hầu hết xuất phát từ ngoại cảnh như hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế, thói quen ăn uống và sinh hoạt gây nên. Suy dinh dưỡng thường là hậu quả của các vấn đề sau:
- Bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng của các dưỡng chất: Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy dinh dưỡng ở các nước nghèo.
- Khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém do các bệnh lý đường tiêu hóa hoặc sau một đợt bệnh nặng, người bệnh cảm thấy không ngon miệng, không muốn ăn mặc dù được cung cấp thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Ói mửa hay đi chảy kéo dài làm mất chất dinh dưỡng. Bệnh lý viêm loét đại tràng, bệnh Crohn làm giảm khả năng dung nạp chất dinh dưỡng từ thức ăn đưa vào. Bệnh nhân viêm loét dạ dày hoặc các bệnh lý gan mật thường đối mặt với chứng khó tiêu, làm người bệnh chán ăn, lâu dần cũng gây nên suy dinh dưỡng. Các bệnh lý nhiễm trùng tại đường tiêu hóa, hoặc việc phải sử dụng nhóm thuốc kháng sinh làm mất cân bằng giữa lượng vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột cũng làm giảm khả năng hấp thu.
- Vấn đề sức khỏe tâm thần: nhiều rối loạn tâm thần kinh ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người bệnh như trầm cảm, chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn ói và các rối loạn ăn uống khác. Nguyên nhân này cũng có thể gặp phải ở trẻ em. Khi bi gia đình ép buộc ăn uống quá mức, trẻ dễ có tâm lý sợ hãi sinh ra những nỗi ám ảnh về thức ăn, dần dần sẽ dẫn tới bệnh chán ăn và gây ra suy dinh dưỡng.
- Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, không bú đủ sữa mẹ và cho ăn dặm quá sớm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có thể dẫn tới suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Quan niệm cho trẻ bú sữa công thức tốt hơn sữa mẹ là không đúng đắn. Những người mẹ suy dinh dưỡng hoặc không biết cách cho con bú cũng là những nguyên nhân gián tiếp gây suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh.
Dấu hiệu của bệnh suy dinh dưỡng
Ở người lớn, suy dinh dưỡng thường có các biểu hiện lâm sàng như sau :
- Tình trạng mệt mỏi xảy ra thường xuyên, giảm vận động thể lực
- Giảm ham muốn tình dục
- Sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng
- Cơ teo tóp, trọng lượng cơ thể giảm
- Vết thương lâu lành
- Khả năng sinh sản kém
Với những trường hợp bệnh diễn biến trong khoảng thời gian dài, các biểu hiện sau có thể xuất hiện :
- Danh khô, xanh xao và nhợt nhạt
- Mỡ dưới da bị tiêu biến
- Dễ rụng tóc
- Khuôn mặt gầy thóp, không có sức sống
- Các biểu hiện bệnh lý như suy tim, suy gan hay suy hô hấp kéo dài
Ở trẻ em, biểu hiện có thể bao gồm những nguyên nhân như: cân nặng không tăng trưởng như mức dự kiến. Hoặc tụt giảm từ 5-10% hoặc hơn so với trọng lượng cơ thể của trẻ trong vòng 3-6 tháng.
Phát sinh những thay đổi trong hành vi, chẳng hạn như thường xuyên quấy khóc, ít vui chơi và kém linh hoạt, cơ thể chậm chạp hơn hẳn bạn cùng lứa. Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần. Đặc biệt, dấu hiệu nhận thấy rõ ràng nhất là khi trẻ chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng.
Vì sao suy dinh dưỡng ở trẻ em nguy hiểm?
Suy yếu hệ miễn dịch: Suy dinh dưỡng do thiếu vi chất (kẽm, sắt, vitamin…) sẽ làm cho hệ thống miễn dịch dần yếu đi. Lúc này, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng nhiều hơn bao giờ hết. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ: Nếu bị nhiễm trùng đường tiêu hóa đồng thời với suy dinh dưỡng, cơ thể trẻ sẽ không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Từ đó gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ.
Các vấn đề về sức khỏe khác: Thiếu các vi chất khiến sức khỏe của trẻ ngày càng tồi tệ hơn. Ví dụ, thiếu vitamin A gây ảnh hưởng xấu đến thị giác của trẻ; trong khi đó, thiếu protein và kẽm còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xương…

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh suy dinh dưỡng?
Điều trị thường bao gồm bổb sung các chất dinh dưỡng còn thiếu, điều trị triệu chứng khi cần thiết và điều trị bất kỳ bệnh nào có thể gây suy dinh dưỡng.
Khi thực hiện chẩn đoán suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng, các chuyên gia y tế (bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng) sẽ thiết lập kế hoạch chăm sóc với mục tiêu hồi phục sức khỏe.
- Các kế hoạch chăm sóc: mục đích điều trị sẽ được đặt ra, bao gồm việc điều trị cho bất kỳ bệnh tật hay những yếu tố nào góp phần gây suy dinh dưỡng. Thông thường, việc điều trị gồm chế độ ăn uống đặc biệt với nhiều chất dinh dưỡng bổ sung. Người bị suy dinh dưỡng nặng hoặc những người không thể ăn hoặc uống sẽ nhận được hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo và được theo dõi tiến trình điều trị chặt chẽ, thường xuyên để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ;
- Chế độ ăn uống: chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ thảo luận về chế độ ăn uống với bạn và đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Mục đích là để bạn có được chế độ ăn uống bổ dưỡng. Các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ đảm bảo đủ lượng calo tiêu thụ từ carbohydrate, protein, chất béo cũng như các vitamin và khoáng chất theo nhật ký dinh dưỡng. Nếu bạn không bổ sung được dinh dưỡng qua thực phẩm thông thường, có thể sử dụng các thực phẩm chức năng hay thuốc uống;
- Hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo: có hai loại chính, chủ yếu là đối với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Loại đầu tiên là dinh dưỡng đường ruột (nuôi ăn bằng ống) – một ống truyền dưỡng chất được đặt trong mũi, dạ dày hoặc ruột non. Loại thứ hai là ăn ngoài đường tiêu hóa – một chất lỏng vô trùng được truyền trực tiếp vào mạch máu (tĩnh mạch) cho những bệnh nhân không thể hấp thu chất dinh dưỡng trực tiếp qua dạ dày hoặc ruột non;
- Tiến độ giám sát: bạn sẽ được theo dõi thường xuyên để kiểm tra cơ thể nhận đúng số lượng calo và nhu cầu dinh dưỡng không. Bạn có sự hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo sẽ được chuyển sang ăn uống bình thường ngay khi có thể.
>Xem thêm:
Ngăn ngừa suy dinh dưỡng trẻ em
Các biện pháp ngăn ngừa suy dinh dưỡng
– Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài từ 18 – 24 tháng, nếu mẹ không đủ sữa cần có nguồn sữa phù hợp để thay thế cho trẻ.
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng cân khỏe mạnh: Cho trẻ ăn dặm khi được 6 tháng tuổi, ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính như bột, đường, đạm béo, vitamin và khoáng chất. Lưu ý lựa chọn thực phẩm tươi mới, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, nấu thức ăn chín kỹ để phòng tránh trẻ các bệnh đường ruột như giun, sán.
– Theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng tháng nhằm phát hiện sớm tình trạng và ngăn chặn nguy cơ gây bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ.
– Không lạm dụng kháng sinh khi điều trị bệnh cho trẻ, chỉ dùng kháng sinh đủ liều và thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ. Chăm sóc dinh dưỡng đúng cách trong thời gian bệnh và sau để phục hồi dinh dưỡng cho trẻ. Tiêm chủng và tẩy giun định kỳ.