Nội soi dạ dày là phương pháp an toàn và hữu hiệu giúp chẩn đoán, điều trị các bệnh lý dạ dày. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vì chưa hiểu rõ về các phương pháp nội soi nên còn khá e ngại khi được chỉ định thực hiện thủ thuật này. Cùng VieMed.vn tìm hiểu nhé.
Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là dùng một ống soi mềm để quan sát thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng. Bác sĩ có thể sử dụng những dụng cụ đặc biệt để lấy dị vật hay cắt polyp, cầm máu, điều trị giãn tĩnh mạch thực quản, giãn tĩnh mạch phình vị, nong những phần bị teo hay bị hẹp,…
Nội soi là một phương pháp an toàn. Biến chứng có thể có gồm xây xát niêm mạc, nhiễm trùng, chảy máu, rách – thủng do bệnh nhân không hợp tác hoặc thủng bít có từ trước, nhưng các biến chứng chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân không phối hợp, còn các thủ thuật nội soi chẩn đoán rất hiếm khi gây ra biến chứng.
Khi nào cần nội soi dạ dày?
Bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày nhằm mục đích:
Chẩn đoán: Nội soi dạ dày giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý, xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng buồn nôn, nôn, đầy hơi, khó tiêu, khó nuốt, đau bụng… Khi cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành làm một xét nghiệm trong quá trình nội soi:
- Làm Clo-test để chẩn đoán nhiễm H.Pylori (HP): Lấy một mẫu mô nhỏ nơi viêm hoặc loét cho vào một lọ đựng thuốc thử Clo-test, sau đó quan sát sự đổi màu của hóa chất. Nếu thuốc thử chuyển sang màu hồng, chứng tỏ có sự hiện diện của vi khuẩn HP, khi đó kết quả Clo-test dương tính (+).
- Sinh thiết tìm ung thư: Bác sĩ lấy một mảnh mô nhỏ và quan sát dưới kính hiển vi để hiển thị các tế bào ung thư nếu có. Việc thực hiện sinh thiết này không gây đau đớn hay khó chịu cho bệnh nhân.
Điều trị: Bằng những dụng cụ chuyên biệt luồn qua ống nội soi, bác sĩ có thể điều trị các bệnh lý liên quan đường tiêu hóa như: xuất huyết đường tiêu hóa, lấy dị vật trong đường tiêu hóa, cắt pô-lýp hoặc nong thực quản.
Các bước chuẩn bị cho nội soi dạ dày
Trước khi nội soi, bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử bệnh nội, ngoại khoa của bệnh nhân, và cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết nếu đang sử dụng bất kỳ thuốc hay thực phẩm chức năng nào.
Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy chấp thuận để xác nhận là đã hiểu rõ những rủi ro có thể xảy ra khi nội soi và đồng ý thực hiện thủ thuật này. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sự cần thiết của nội soi, các rủi ro, cách thực hiện hoặc kết quả nội soi thì bệnh nhân nên hỏi lại bác sĩ để được giải thích thêm.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân những việc cần thực hiện:
- Nhịn ăn và uống trước khi nội soi từ 4 đến 8 tiếng để dạ dày sạch, thuận lợi cho việc nội soi.
- Ngưng sử dụng một số loại thuốc nhất định. Bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc kháng đông vài ngày trước khi nội soi vì thuốc kháng đông sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết trong trường hợp cần làm một số thủ thuật trong quá trình nội soi. Nếu bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch hay huyết áp cao thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân về các loại thuốc đang dùng.
Thuốc an thần
Nội soi dạ dày qua đường miệng gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân, vì vậy thuốc an thần được khuyến khích sử dụng trong trường hợp này để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Bệnh nhân chỉ cần nhập viện trong ngày để được thực hiện thủ thuật này tại phòng nội soi. Bệnh nhân nên có kế hoạch nghỉ ngơi sau khi nội soi có sử dụng thuốc an thần.
Khi thuốc an thần hết tác dụng dần dần, có thể bệnh nhân cảm thấy vẫn tỉnh táo nhưng phản xạ và khả năng phán đoán của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tạm thời nên bệnh nhân cần thu xếp để có người thân đưa về nhà. Bệnh nhân cũng nên nghỉ ngơi đến hết ngày và không nên có những quyết định quan trọng liên quan đến các vấn đề cá nhân hay tài chính trong vòng 24 giờ sau khi nội soi.
Nội soi qua đường mũi bằng ống siêu nhỏ thường không cần sử dụng thuốc an thần, và có thể được thực hiện trong phòng nội soi tại phòng khám ngoại trú.
Nội soi dạ dày giúp phát hiện những bệnh lý nào?
Nội soi dạ dày có độ chính xác cao hơn các phương pháp chụp chiếu X-quang hay siêu âm, giúp phát hiện được hầu hết các tổn thương dạ dày dù nhỏ nhất. Hơn nữa, trong quá trình nội soi sẽ giúp bác sĩ dễ dàng lấy sinh thiết để chẩn đoán chính xác hơn. Bằng phương pháp này, 8 bệnh lý cơ bản sau sẽ được phát hiện:
Bệnh viêm dạ dày
Viêm dạ dày là bệnh rất phổ biến về tiêu hóa. Thông thường viêm dạ dày có biểu hiện đau thượng vị, tuy nhiên ở một số người có những triệu chứng nhẹ hơn như đầy hơi, ợ chua, ợ nóng. Viêm dạ dày là hiện tượng dạ dày bị viêm, sưng, tấy đỏ, bệnh có thể xảy ra bất ngờ (viêm dạ dày cấp tính) hoặc kéo dài (viêm dạ dày mạn tính). Bệnh thông thường không nguy hiểm và sẽ ổn định sau khi được điều trị. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ loét dạ dày hoặc nặng hơn là ung thư dạ dày, đặc biệt là khi nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori)
Bệnh loét dạ dày
Loét dạ dày là tổn thương hở tại lớp niêm mạc dạ dày. Tổn thương này xảy ra ở dưới da xuống lớp mô hay phần cơ do lớp niêm mạc bảo về cuối cùng của dạ dày bị bào mòn. Bệnh lý này gây nên những cơn đau âm ỉ theo chu kỳ, thường xảy ra khi đói hoặc vài giờ sau bữa ăn. Thậm chí nặng hơn nữa là xuất huyết tiêu hóa nếu ổ loét lớn, chảy máu. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ hình thành những cơn đau với tần suất ngày càng tăng, gặp nhiều biến chứng, đe dọa tính mạng người bệnh.
Hiện nay viêm loét dạ dày không chỉ gặp ở những đối tượng người già như trước mà phổ biến trong mọi lứa tuổi, mọi thành phần.

Phát hiện Hp
Hp là viết tắt của Helicobacter pylori, là 1 loại vi khuẩn gây hại vô cùng nguy hiểm đối với hệ dạ dày. Vi khuẩn này là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng viêm loét dạ dày và có thể biến chứng nặng thành ung thư dạ dày bởi vì sau khi xâm nhập vi khuẩn sẽ sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc dạ dày, chúng tiết ra độc tố làm mất khả năng chống lại acid của lớp niêm mạc.
Phương pháp để phát hiện ra vi khuẩn Hp chính là nội soi dạ dày kết hợp với sinh thiết lấy mẫu mô xét nghiệm.
Polyp dạ dày
Polyp dạ dày là những khối tế bào được hình thành ở lớp lót bên trong dạ dày. Hầu hết các polyp dạ dày không đáng quan ngại vì là những khối u lành tính. Tuy nhiên một số loại có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày trong tương lai.
Trong giai đoạn đầu, sẽ không thấy xuất hiện triệu chứng hay dấu hiệu cụ thể. Nhưng nếu polyp càng lớn, lan rộng sẽ có dấu hiệu như đau bụng, nôn mửa, nóng rát ở bụng, đi ngoài ra máu… Bệnh chỉ có thể được phát hiện bằng phương pháp nội soi dạ dày
Trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày hay còn gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Bệnh có các triệu chứng gồm ợ chua, ợ nóng, hôi miệng, đau ngực, nôn mửa, khó thở … Ngoài ra nếu bệnh mạn tính có thể gây các biến chứng nặng hơn như viêm thực quản, hẹp thực quản… Nội soi dạ dày sẽ phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh lý này.

Xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày chính là chảy máu dạ dày, là hiện tượng lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương khiến bên trong dạ dày bị chảy máu. Bệnh xuất hiện đột ngột và tiến triển rất nhanh chóng. Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, nội soi dạ dày chính là giải pháp cấp cứu nhanh chóng và hiệu quả cao nhất.
Ung thư dạ dày
Đây là bệnh lý nguy hiểm nhất trong các bệnh lý về dạ dày. Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường, đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần hay ở xa qua hệ thống bạch huyết. Ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong rất cao trong các bệnh ung thư. Bệnh lý này được phát hiện bằng cách nội soi dạ dày kết hợp sinh thiết tế bào.
Phát hiện dị vật lạ trong dạ dày
Bằng nội soi dạ dày có thể phát hiện dị vật lạ trong dạ dày như giun…
Nội soi dạ dày có ảnh hưởng gì không?
Nội soi dạ dày không hề ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhờ nội soi mà chúng ta có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở dạ dày để điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Trên thực tế nhiều người dù chưa từng nội soi bao giờ nhưng khi nghe thông tin truyền miệng đều nghĩ nội soi rất “ghê gớm” và lo lắng không biết nội soi dạ dày có nguy hiểm không. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do trước đây khi nội soi thường, ống nội soi sẽ phải đi qua họng, vòm khẩu cái nên dễ gây kích thích, khiến người bệnh buồn nôn, nôn, đau ở họng. Tuy nhiên những cảm giác khó chịu này sẽ nhanh chóng biến mất sau khi người bệnh nội soi xong.
Đăc biệt với sự xuất hiện của nôi soi gây mê và nội soi qua đường mũi, người bệnh không cần phải lo lắng về vấn đề nội soi gây buồn nôn, khó chịu:
- Nội soi tiền mê: cụ thể với nội soi tiền mê, bệnh nhân sẽ được gây mê bằng thuốc an thần có tác dụng ngắn vừa đủ cho 1 cuộc soi, tỉnh sau 15 phút và không ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Nội soi đường mũi: bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi siêu nhỏ luồn qua đường mũi đã được xịt tê, qua ngả hầu họng xuống đến thực quản, dạ dày, hành tá tràng, tá tràng. Nhờ đó người bệnh không bị kích thích lưỡi gà, vòm khẩu cái và đáy lưỡi nên không có cảm giác khó chịu, nhiều trường hợp vẫn có thể nói chuyện bình thường với bác sĩ trong quá trình nội soi.
Nội soi dạ dày có đau không?
Về cơ bản, các phương pháp nội soi dạ dày không gây mê qua đường miệng hoặc đường mũi đều nằm trong khả năng chịu đau của người bệnh. Tuy nhiên, cách thức nội soi như thế này vẫn khiến nhiều người e ngại bởi cảm giác đau và khó chịu. Cụ thể:
– Nội soi qua đường miệng không gây mê: ống nội soi được đưa vào thực quản, dạ dày qua đường miệng. Phương pháp này có ưu điểm là độ chính xác cao, dễ thực hiện và chi phí hợp lý. Nhưng lại có nhược điểm là có cảm giác khó chịu và buồn nôn.
– Nội soi qua đường mũi, không gây mê: ống nội soi được đưa vào cơ thể qua đường mũi, ưu điểm: độ chính xác cao, dễ thực hiện, đường kính ống nội soi nhỏ nên dễ chịu hơn nội soi đường miệng. Nhược điểm chi phí cao hơn và không phải ai cũng có thể chịu được phương pháp này, nhất là đối với trẻ em hoặc người có dị tật ở mũi;
Tùy thuộc ưu nhược điểm của từng biện pháp nội soi, người bệnh sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với mình. Hiện nay, nhiều người yêu thích biện pháp nội soi dạ dày tiền mê bởi nó trấn an được cho khách hàng khi còn e ngại “nội soi dạ dày có đau không?” Khi sử dụng phương pháp này, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc gây mê trước khi tiến hành nội soi. Vì vậy ưu điểm là người bệnh sẽ không thấy đau hay khó chịu như các biện pháp nội soi khác.

Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý là nội soi dạ dày có đau không còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ tay nghề của bác sĩ cũng như sự hợp tác của bệnh nhân và trang thiết bị sử dụng.