Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch thường gặp ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển như ở Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim có giảm so với trước đây nhờ những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị, tuy nhiên hậu quả và biến chứng sau nhồi máu cơ tim vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Hãy cùng VieMed.vn tìm hiểu nhồi máu cơ tim là gì và cách xử trí như thế nào là hợp lý nhất.
Nhồi máu cơ tim là gì?
Tim là cơ quan có vai trò bơm máu đi nuôi cơ thể. Tim được nuôi dưỡng từ 2 nhánh mạch máu chính là động mạch vành phải và động mạch vành trái.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi đột ngột tắc hoàn toàn hoặc 1 phần 1 trong 2 nhánh mạch máu này hoặc cả 2 nhánh. Nếu 1 vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, lúc này chức năng bơm máu của tim không còn toàn vẹn như trước gây nên các hậu quả như suy tim, sốc tim, đột tử do tim,…

Ai là người dễ bị nhồi máu cơ tim?
1. Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.
2. Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.
3. Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.
4. Những bệnh nhân có đái tháo đường. Những bệnh nhân này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.
5. Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.
Các triệu chứng điển hình của bệnh
Những triệu chứng thường gặp của bệnh nhồi máu cơ tim bao gồm: Đau thắt ngực, mức độ đau có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến đau nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau có thể kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện.
Ngoài cơn đau điển hình, bệnh nhân còn có các triệu chứng: Khó thở; đổ mồ hôi; buồn nôn, nôn ói; lo lắng; ho; chóng mặt; tim đập nhanh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc chỉ cảm thấy khó chịu vùng thượng vị.

Cơn đau thắt ngực có thể kéo dài hàng giờ, vì vậy khi có các triệu chứng trên, cần tìm kiếm sự giúp đỡ và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh nhồi máu cơ tim?
Tim là cơ quan chính của hệ tim mạch bên cạnh mạch máu. Một trong những mạch máu quan trọng là động mạch vành. Khi những động mạch này bị tắc hoặc hẹp do mảng xơ vữa hình thành, lưu lượng máu đến tim sẽ bị giảm đáng kể hoặc mất hoàn toàn, điều này có thể gây ra nhồi máu cơ tim. Những yếu tố dẫn tới tắc nghẽn động mạch vành bao gồm:
- Cholestreol xấu: lipoprotein tỷ trọng thấp, là một trong những nguyên nhân chính gây tắc nghẽn động mạch. Cholesterol là một chất không màu tìm thấy trong thức ăn. Cơ thể cũng có thể tự tạo ra chất này. Không phải tất cả các cholesterol đều xấu nhưng lipoprotein tỷ trọng thấp có thể bám vào thành động mạch và gây ra mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa làm tắc nghẽn dòng máu động mạch. Tiểu cầu có thể dính vào thành mạch nơi mảng xơ vữa bong tróc và tạo nên cục máu đông, cục máu đông lớn dần lên làm tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn;
- Chất béo bão hòa: cũng có thể thúc đẩy hình thành mảnh xơ vữa động mạch vành. Chất béo bão hòa được tìm thấy nhiều nhất trong thịt và các sản phẩm từ sữa bao gồm bơ và phô mai. Những chất béo này có thể làm tắc nghẽn động mạch bằng cách làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu và làm giảm cholesterol tốt;
- Chất béo chuyển hóa: hay còn gọi là chất béo đã được hydro hóa. Chất béo chuyển hóa được tạo ra bởi con người và có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Chất béo chuyển hóa thường được ghi trên nhãn là chất béo đã được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần.
Nhận biết dấu hiệu nhồi máu cơ tim
Trong một số trường hợp, bệnh nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột và dữ dội. Mặc dù vậy, theo bác sĩ, hầu hết trường hợp bệnh sẽ bắt đầu từ từ với cảm giác đau nhẹ ở ngực cùng một số triệu chứng khó chịu khác. Vì vậy, hãy chú ý đến biểu hiện khác thường của cơ thể và đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn cảm thấy:

Khó chịu ở ngực
Hầu hết người mắc bệnh nhồi máu cơ tim đều cảm thấy khó chịu ở vùng giữa ngực, bao gồm những cảm giác như đau, tức ngực hoặc có áp lực đè nặng lên đây. Tình trạng này có thể kéo dài vài phút hoặc xuất hiện rồi biến mất ngay lập tức nhưng lại nhanh chóng tái phát.
Khó chịu ở nửa thân trên
Cảm giác khó chịu ở ngực có thể nhanh chóng lan đến những bộ phận lân cận, bao gồm lưng, cổ, cánh tay, hàm hoặc thậm chí là dạ dày.
Khó thở, hụt hơi
Trong một số trường hợp, người bị nhồi máu cơ tim có thể không bộc lộ biểu hiện khó chịu ở ngực. Tuy vậy, triệu chứng khó thở, hụt hơi sẽ chắc chắn sẽ diễn ra.
Một vài triệu chứng nhồi máu cơ tim khác
Ngoài những biểu hiện trên, người bệnh còn có thể gặp phải một số dấu hiệu như:
- Toát mồ hôi lạnh
- Chóng mặt buồn nôn
- Lo âu, thấp thỏm
- Nhịp tim nhanh
Thực tế, những triệu chứng được đề cập bên trên chỉ là các dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất. Biểu hiện nhồi máu cơ tim ở mỗi người có thể không giống nhau. Cụ thể hơn, bên cạnh cảm giác đau tức ngực, phụ nữ còn dễ bắt gặp những dấu hiệu nhồi máu cơ tim dưới đây hơn đàn ông, bao gồm:
- Đau lưng và đau hàm
- Hụt hơi
- Đau đầu chóng mặt
- Buồn nôn và nôn
Không những vậy, một số bệnh nhân là nữ giới còn cho biết, họ gặp khó khăn trong việc nhận biết sự hiện diện của cơn đau tim khi cơ thể bộc lộ triệu chứng tương tự cảm cúm.
Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu khác thường của cơ thể, hãy mau chóng đến bệnh viện và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Nhồi máu cơ tim là tình trạng sức khỏe cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Do đó, nếu bạn bắt gặp các triệu chứng như trên, hãy mau chóng tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị hiệu quả. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Do đó, tham vấn cùng các chuyên gia có thể giúp bạn lựa chọn giải pháp đối phó phù hợp nhất.
Làm thế nào để phòng tránh hoặc hỗ trợ điều trị nhồi máu cơ tim tại nhà?
Ngày nay, với sự phát triển của y khoa, đến 80% các cơn đau tim và đột quỵ sớm có thể phòng ngừa được. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý rằng việc thực hiện lối sống lành mạnh cũng giúp giảm các biến chứng của nhồi máu cơ tim.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá và xung với lượng muối, đường và hạn chế tối đa việc sử dụng chất béo có hại cho sức khỏe. Ngoài ra, rượu cũng nên được sử dụng trong chừng mực:
- Đối với nam giới: không quá 3 đơn vị rượu/ ngày
- Đối với nữ giới: không quá 2 đơn vị rượu/ ngày
Thực hiện hoạt động thể chất thường xuyên
Mỗi ngày, bạn nên dành tối thiểu 30 phút hoạt động thể chất. Bạn không cần phải tập các bài tập quá nặng, thay vào đó, đạp xe, đi bộ, aerobic… sẽ là những bộ môn không chỉ giúp duy trì thể lực tim mạch mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng quát.
Tránh sử dụng thuốc lá
Thực tế, không chỉ những người hút thuốc lá mà ngay cả chỉ tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng nguy hiểm với hệ tim mạch. Thế nhưng, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ bắt đầu giảm ngay lập tức sau khi một người ngừng sử dụng các sản phẩm thuốc lá và có thể giảm một nửa sau 1 năm.
Điều trị nhồi máu cơ tim
Phải phát hiện sớm bệnh lý động mạch vành nên khi khách hàng có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, có những triệu chứng trên thì phải đi khám và sàng lọc tim mạch sớm nhất
Điều trị hỗ trợ
Nếu người bệnh có giảm Oxy máu sẽ được hỗ trợ thở Oxy.
Được sử dụng các thuốc giảm đau ngực.
Được sử dụng một số thuốc kiểm soát nhịp tim, hoặc những thuốc góp phần tốt cho co bóp của tim sau này.
Điều trị chính
Can thiệp mạch vành (PCI): Đây là một thủ thuật thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa can thiệp tim mạch. Trong thủ thuật người bệnh vẫn còn tỉnh và có thể quan sát tiến trình thủ thuật trên màn hình video. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê tại vị trí đùi hoặc cổ tay của người bệnh. Hệ thống ống dẫn được luồn tại đùi hoặc cổ tay theo mạch máu về hướng về tim. Dựa vào hình ảnh thu được trên màn hình chụp, các bác sĩ tìm được vị trí tắc đồng thời thực hiện đặt stent (ống thông) vào mạch máu bị tắc. Stent bung lên giúp máu lưu thông lại bình thường.

Mổ bắc cầu mạch vành (CABG): Bệnh nhân được gây mê và phẫu thuật tiến hành trong phòng mổ tại khoa Phẫu thuật tim. Những đoạn mạch máu được lấy từ những nơi khác trong cơ thể được làm cầu nối phía trước và sau nơi tắc giúp máu đi theo đoạn mạch máu ghép đến nuôi cơ tim phía dưới. Đoạn mạch máu được lấy đi chỉ là 1 phần rất nhỏ trong hệ thống mạch máu phong phú của cơ thể nên sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của những cơ quan này.

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Người bệnh nên tìm hiểu kỹ về căn nguyên gây bệnh để có hướng phòng tránh tốt nhất cho bản thân và gia đình.
- Vai trò của một chế độ ăn uống cho người bị nhồi máu cơ tim và luyện tập thể dục trong phòng ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch đã được chứng minh hiệu quả. Thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm tỷ lệ mắc nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch vành. Đối với bệnh nhân đã can thiệp thay đổi lối sống tối ưu nhưng vẫn chưa kiểm soát được các yếu tố nguy cơ, người bệnh nên tuân thủ điều trị theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
- Bỏ thuốc lá.
- Giảm rượu bia.
- Giảm cân, duy trì BMI dưới 23 kg/m2.
Cách phục hồi chức năng tim giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp tái phát
Sau cơn nhồi máu cơ tim, nếu không kiểm soát tốt bệnh mạch vành, người bệnh vẫn có nguy cơ cao cấp. Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim và ngăn ngừa tái phát, bạn cần lưu ý:
– Thay đổi lối sống: luyện tập thể dục, bỏ thuốc lá, ăn hạn chế chất béo, cholesterol, tránh căng thẳng… Thông thường để cơ tim có thể phục hồi và hoạt động ổn định trở lại, bạn sẽ cần phải nghỉ ngơi ít nhất từ 4 – 6 tuần. Sau thời gian này, bạn có thể tiếp tục các hoạt động thể dục bình thường, nhưng lưu ý là chỉ được lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức, tránh làm tăng gánh nặng cho tim.
– Kiểm soát tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nếu có
– Sử dụng thuốc đúng chỉ định, chúng thường bao gồm: thuốc ức chế kết tập tiểu cầu, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta giao cảm nếu không có chống chỉ định.
Trên đây là thông tin về bệnh nhồi máu cơ tim, nếu còn thắc mắc gì hãy để lại phản hồi bên dưới nhé. Đội ngũ VieMed.vn sẽ tích cực trả lời những phản hồi của các bạn.