Trào ngược dạ dày hiện nay không phải là một vấn đề gì quá xa lạ. Số lượng người mắc bệnh cũng có dấu hiệu gia tăng nhất là ở độ tuổi trường thành. Vậy cụ thể trào ngược dạ dày là gì? Bệnh này có gì nguy hiểm? Đâu là nguyên nhân gây bệnh và chúng ta có thể nhận biết bệnh qua những dấu hiệu nào? Câu trả lời sẽ được chia sẻ ngay trong bài viết của VieMed.vn dưới đây.
Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày hay còn được gọi là trào ngược thực quản. Chúng được xem là một trong những vấn đề về dạ dày rất dễ gặp phải. Hiện tượng này được hiểu là tình trạng dịch trong dạ dày của cơ thể xuất hiện hiện tượng trào ngược lên thực quản.
Hiểu một cách cụ thể hơn: Ở trong trạng thái bình thường, khi chúng ta ăn uống, nạp bất kỳ nguồn thực phẩm nào vào cơ thể, chúng sẽ đi từ thực quản xuống dưới dạ dày. Tất nhiên là lượng thực phẩm này trước đó phải đi qua được cơ vòng thực quản. Khi thức ăn được đưa xuống dưới, cơ vòng thực quản sẽ tự động đóng lại để ngăn cản chúng có nguy cơ trào ngược lên phía trên thực quản.
Tuy nhiên khi phần cơ hoành thực quản gặp vấn đề, dịch vụ và thức ăn trong dạ dày sẽ không được “bảo quản” tốt. Chúng sẽ có điều kiện bị trào ngược lên trên gây ra các cảm giác ợ nóng, ợ chua và khó chịu.
Dấu hiệu trào ngược dạ dày
Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua
- Ợ hơi thường xuyên là dấu hiệu bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Ợ nóng là cảm giác nóng rát từ dạ dày (vùng thượng vị), dưới xương ức lan lên cổ.
- Ợ chua thường đi kèm với ợ hơi và ợ nóng, để lại vị chua trong miệng.
- Các triệu chứng trên thường xuất hiện khi ăn no, khi đầy bụng khó tiêu, nằm ngủ, nhất là vào ban đêm.
Buồn nôn, nôn
Sự trào ngược của axit vào họng hoặc miệng, kích thích họng miệng gây cảm giác buồn nôn.
Tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào nhưng thường nặng nhất vào ban đêm do tư thế khi ngủ và khi hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh mẽ hơn.
Buồn nôn là một dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản
Buồn nôn là một dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản
Đau tức ngực thượng vị
Bạn có thể có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra sau lưng và cánh tay.
Nguyên nhân do axit trào ngược lên kích thích vào các đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, cơ quan cảm ứng đau sẽ đưa ra tín hiệu như đau ngực.
Bạn cần tránh nhầm lẫn với các bệnh tim mạch và bệnh phổi khi có cùng triệu chứng.
Khó nuốt
Trào ngược dạ dày thực quản với tần suất lớn gây phù nề, sưng tấy, làm thu hẹp đường kính thực quản. Vì thế người bệnh có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ.
Khàn giọng và ho
Do dây thanh quản bị tổn thương khi tiếp xúc với axit dạ dày. Người bệnh trào ngược dạ dày sẽ bị khàn giọng do dây thanh phù nề, khó nói và lâu ngày thành ho do dịch viêm chảy xuống thanh phế quản.
Miệng tiết nhiều nước bọt
Miệng tiết nhiều nước bọt là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể ở vùng miệng nhằm trung hòa bớt lượng axit trào lên.
Ngoài 6 dấu hiệu trào ngược dạ dày phổ biến trên, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như khó tiêu, đầy bụng, hen suyễn viêm phổi,…
>> Xem ngay: Đau Ruột Thừa Bên Nào? Đau Ruột Thừa Có Nguy Hiểm Không
Nguyên nhân bệnh trào ngược dạ dày
Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản là do cơ thắt thực quản bị yếu hoặc đóng mở bất thường thì sẽ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Dung dịch axit từ dạ dày sẽ làm tổn thương đường niêm mạc của thực quản, dẫn tới viêm. Ngoài ra, có các nguyên nhân khác như :
Tác dụng phụ của một số loại thuốc chẳng hạn như aspirin
Sử dụng chất kích thích và gây nghiện như: cafein, rượu, thuốc lá,…
Các bệnh lý nhiễm trùng ở thực quản gây xơ, yếu cơ vòng thực quản hoặc các bệnh lý di truyền, thoát vị hoành…
Bệnh lý dạ dày: Các bệnh lý như viêm loét dạ dày, trợt niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày hay hẹp hang môn vị dạ dày… Cũng có thể gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Thói quen ăn uống: Ăn quá no, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu ( nước có gas, đồ ăn nhanh, trứng, sữa,…) hay đi ngủ ngay sau khi ăn
Thừa cân béo phì gây tăng áp lực lên vùng bụng
Mang thai
Stress
Các cấp độ trào ngược dạ dày
Bệnh trào ngược axit trong dạ dày được các bác sĩ chuyên khoa chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Các cấp độ này tương ứng với tình trạng bệnh tình của mỗi người. Do đó, việc thăm khám, chẩn đoán trào ngược dạ dày và đưa ra phác đồ điều trị cũng được dễ dàng và hiệu quả, chính xác hơn. Hiện nay, có cụ thể 4 cấp độ trào ngược axit trong dạ dày dựa vào kết quả của quá trình nội soi. Các bạn có thể tham khảo như sau:
Trào ngược dạ dày cấp độ A: Với cấp độ A, là cấp độ bệnh tình nhẹ nhất. Người bệnh nếu nội soi thấy một đến 2 vết loét riêng rẽ trên thành niêm mạc với kích thước dưới 5mm thì được liệt kê vào cấp này.
Trào ngược dạ dày cấp độ B: Người bệnh nếu nội soi thấy một đến 2 vết loét riêng rẽ trên thành niêm mạc với kích thước trên 5mm thì được liệt kê vào cấp này.
Trào ngược dạ dày cấp độ C: Người bệnh nếu nội soi thấy một vết loét lớn trên thành niêm mạc với kích thước không quá 75% chu vi thực quản thì được liệt kê vào cấp này.
Trào ngược dạ dày cấp độ D: Với cấp độ D, là cấp độ bệnh tình diễn tiến nặng và phức tạp nhất, cũng rất dễ gây ra nhiều biến chứng nhanh chóng. Cụ thể người bệnh nếu nội soi thấy một vết loét lớn trên thành niêm mạc với kích thước lớn hơn 75% chu vi thực quản thì được liệt kê vào cấp này.
Bệnh trào ngược axit dạ dày có nguy hiểm không?
Theo thời gian, tình trạng viêm mạn tính ở thực quản do axit trào ngược lên có thể dẫn đến:
Thu hẹp thực quản (hẹp thực quản). Tổn thương thực quản dưới do axit dạ dày khiến mô sẹo hình thành. Các mô sẹo thu hẹp đường dẫn thức ăn, dẫn đến các vấn đề với khả năng nuốt.
Một vết loét mở trong thực quản (loét thực quản). Axit dạ dày có thể làm mòn mô ở thực quản, khiến vết thương hở hình thành. Loét thực quản có thể chảy máu, gây đau và khó nuốt cho người bệnh.
Những thay đổi tiền ung thư ở thực quản (Barrett thực quản). Tổn thương do axit có thể gây ra những thay đổi trong mô lót thực quản dưới. Những thay đổi này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư thực quản
Chẩn đoán trào ngược dạ dày
Để chẩn đoán chính xác trào ngược dạ dày thực quản cần dựa vào các triệu chứng cận lâm sàng và các xét nghiệm khách quan, kết hợp với nội soi:
❖ Chẩn đoán cận lâm sàng
- Sử dụng bộ câu hỏi GerdQ: đây là tổng hợp những câu hỏi đơn giản nhằm khai thác tiền sử bệnh lý trong thời gian 7 ngày trước khi đến thăm khám của bệnh nhân trào ngược dạ dày. Thông qua bộ câu hỏi này các bác sĩ sẽ có những đánh giá ban đầu.
- Điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm Proton (PPI) trong vòng 7 đến 14 ngày ( PPI test): Với liều lượng đủ hoặc gấp đôi nếu người bệnh hết triệu chứng của bệnh thì được chẩn đoán là trào ngược dạ dày thực quản.
❖ Chẩn đoán lâm sàng
- Chụp thực quản – dạ dày có cản quang: Trước khi có nội soi, chụp X quang thực quản là phương tiện duy nhất để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản.
- Nội soi thực quản – dạ dày tá tràng: đây là cách hữu hiệu nhất để phân độ viêm thực quản, điều này quan trọng trong việc chọn lựa cách điều trị cho trào ngược dạ dày thực quản.
- Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM): chẩn đoán này được chỉ định trong trường hợp sử dụng để đánh giá áp lực trong lòng thực quản và áp lực các cơ thắt thực quản trên và dưới, từ đó đưa ra những nhận định về chức năng, hình thái vùng nối dạ dày- thực quản và nhu động thực quản.
- Đo pH-trở kháng thực quản 24 giờ: chẩn đoán này được thực hiện đồng thời với các cơn trào ngược dạ dày.
- Đo điện thế của niêm mạc đường tiêu hóa trên: đánh giá khả năng dẫn điện của niêm mạc thực quản trong trường hợp nghi bị trào ngược dạ dày.
- PepTest: đây là phương pháp test nhanh nhằm phát hiện pepsin trong nước bọt – tác nhân gây nên trào ngược dạ dày thực quản.
Tùy vào tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định những chẩn đoán phù hợp để tiết kiệm thời gian và chi phí ở mức tối đa cho người bệnh, đẩy lùi những cơn trào ngược dạ dày nhanh chóng.
Thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản
Các thuốc không kê toa
Thuốc kháng axit trung hòa axit dạ dày. Thuốc kháng axit có thể giúp giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, một mình thuốc kháng axit sẽ không chữa lành thực quản bị viêm do axit dạ dày. Ngoài ra, việc lạm dụng một số thuốc kháng axit có thể gây ra tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc đôi khi là các vấn đề về thận.
Thuốc làm giảm sản xuất axit. Những loại thuốc này – được gọi là thuốc chẹn thụ thể H-2 – bao gồm cimetidine, famotidine và nizatidine. Thuốc chẹn thụ thể H-2 không hoạt động nhanh như thuốc kháng axit, nhưng chúng giúp giảm đau lâu hơn và có thể làm giảm sản xuất axit từ dạ dày trong 12 giờ. Dạng mạnh hơn của thuốc thường được chỉ định theo toa.
Các loại thuốc ngăn chặn sản xuất axit và chữa lành thực quản. Những loại thuốc này – được gọi là thuốc ức chế bơm proton – là chất ức chế axit mạnh hơn thuốc ức chế thụ thể H-2 và cho phép thời gian để mô thực quản tổn thương lành lại. Thuốc ức chế bơm proton không kê đơn bao gồm lansoprazole và omeprazole.
Các thuốc kê toa
Các thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản theo toa gồm:
Thuốc ức chế thụ thể H-2 kê đơn. Các thuốc này bao gồm famotidine theo toa và nizatidine. Những loại thuốc này thường được dung nạp tốt nhưng sử dụng lâu dài có thể làm tăng nhẹ nguy cơ thiếu vitamin B12 và gãy xương.
Thuốc ức chế bơm proton dạng mạnh. Các thuốc này bao gồm esomeprazole, lansoprazole, omeprazole, pantoprazole, rabeprazole và dexlansoprazole. Mặc dù thường dung nạp tốt, những thuốc này có thể gây tiêu chảy, nhức đầu, buồn nôn và thiếu vitamin B12. Sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông.
Thuốc tăng cường cơ vòng dưới của thực quản. Baclofen có thể làm giảm trào ngược bằng cách giảm tần suất thư giãn của cơ vòng dưới thực quản. Tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi hoặc buồn nôn.
Phẫu thuật
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường có thể được kiểm soát bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu thuốc không giúp ích hoặc bạn muốn tránh sử dụng thuốc lâu dài, bác sĩ có thể đề nghị:
Phẫu thuật Nissen. Bác sĩ sẽ quấn phần trên của dạ dày xung quanh cơ vòng thực quản dưới, để thắt chặt cơ và ngăn ngừa trào ngược. Thủ thuật này thường được thực hiện với nội soi. Việc bọc phần trên của dạ dày có thể là một phần hoặc toàn bộ.
Phẫu thuật LINX. Một vòng các hạt titan nhỏ chứa từ tín được quấn quanh ngã ba của dạ dày và thực quản. Lực hút từ giữa các hạt đủ mạnh để giữ cơ vòng đóng lại với axit, nhưng đủ yếu để cho phép thức ăn đi qua. Thiết bị LINX có thể được cấy ghép bằng phẫu thuật nội soi.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Mách bạn cách chữa trào ngược dạ dày thực quản tại nhà
Một số biện pháp tại nhà và lối sống có thể giúp làm giảm triệu chứng trào ngược axit dạ dày, như:
- Cai thuốc lá
- Giảm cân nếu thừa cân
- Chia nhỏ bữa ăn
- Nhai kẹo cao su sau khi ăn
- Tránh nằm sau khi ăn
- Tránh đồ ăn hoặc nước uống kích hoạt các triệu chứng
- Tránh mang quần áo chật
- Thử các phương pháp giúp thư giãn
- Một số thảo dược cũng giúp làm dịu triệu chứng bệnh như:
- Hoa cúc
- Rễ cam thảo
- Rễ cây Marshmallow
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn về công dụng của các thảo dược trên trong việc chữa trào ngược dạ dày thực quản. Một số người có thể mắc các tác dụng phụ khi sử dụng chúng, do đó bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ phương pháp nào.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng của bạn nghiêm trọng hơn, do đó bạn nên tránh xa hoặc hạn chế ăn chúng. Các thực phẩm này gồm:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ
- Thức ăn cay
- Chocolate
- Bạc hà
- Cà phê
- Những món ăn có cà chua
- Đồ uống có cồn
Nếu bạn đã kiêng những thực phẩm trên đây nhưng vẫn còn ợ nóng, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân tiềm ẩn và điều trị hiệu quả.