Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn. Bệnh có biểu hiện và gây biến chứng trên khắp các hệ cơ quan trong cơ thể. Nếu không được điều trị và can thiệp tích cực, lupus có thể đe dọa tính mạng. Hiểu biết về căn bệnh này là điều cần thiết để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng của bệnh. Hãy cùng VieMed.vn tìm hiểu Lupus ban đỏ là bệnh gì nhé.
Lupus ban đỏ là bệnh gì?
Lupus ban đỏ được chia thành 2 thể chính là: lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống, Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh thường gặp trong các bệnh lý tự miễn. Nguyên nhân của bệnh lupus nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu.
Theo thống kê, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.
Các biểu hiện của bệnh Lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ có thể xuất hiện đột ngột hoặc diễn ra từ từ trong nhiều tháng, nhiều năm. Bệnh tác động đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể cho nên triệu chứng của bệnh rất đa dạng và thường nặng lên vào mùa đông. Các triệu chứng thường gặp như là:
- Bệnh nhân có biểu hiện gầy sút, mệt mỏi, rụng tóc, sốt nhẹ, viêm loét miệng, đau mỏi cơ, đau các khớp nhỏ, rối loạn kinh nguyệt (ở bệnh nhân nữ). Các triệu chứng không đặc hiệu này gặp ở hơn 90% bệnh nhân đến khám.
- Có khoảng 3/4 bệnh nhân xuất hiện các ban đỏ bất thường trên da. Thường gặp nhất là ban đỏ hình cánh bướm trên mặt, ban đỏ ở 2 gò má bắc cầu qua sống mũi. Đây chính là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
- Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể xuất hiện các tổn thương ở nội tạng, thần kinh và mạch máu như là: viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm cầu thận, rối loạn tâm thần, co giật, xuất huyết, thiếu máu.
- Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện thành từng đợt, xen kẽ giữa các đợt là thời gian lui bệnh.
- Trong thời gian đầu, các triệu chứng bệnh thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh khác. Do đó, có thể phải mất tới vài năm kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh được.
Bệnh nhân lupus ban đỏ thường có ban đỏ bất thường trên da.
>>>Xem thêm: Thuốc Lá Điện Tử Có An Toàn Cho Sức Khỏe Không?
Nguyên nhân gây ra Lupus?
Chúng ta không biết nguyên nhân gây ra bệnh lupus. Không có biện pháp chữa trị, nhưng trong hầu hết trường hợp thì lupus có thể kiểm soát được. Lupus đôi khi xuất hiện trong gia đình, điều đó cho thấy bệnh có thể do di truyền. Tuy nhiên, gen không phải là toàn bộ nguyên nhân. Môi trường, ánh sáng mặt trời, căng thẳng, và một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng ở một số người. Những người khác có nền tảng gen tương tự nhưng có thể không xuất hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra nguyên do tại sao.
Vì lupus là bệnh liên quan đến rối loạn tự miễn nên nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng 3 yếu tố dưới đây có thể góp phần dẫn đến căn bệnh lupus này, bao gồm:
Yếu tố di truyền
Nếu trong gia đình có một thành viên mắc bệnh lupus, bạn cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này.
Nội tiết tố (hormone)
Trên thực tế, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lupus cao gấp 9 lần so với nam giới. Hiện tượng này có thể được giải thích bởi các khác biệt về hormone giới tính tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của phụ nữ và nam giới. Cơ thể phụ nữ sản xuất và sử dụng nhiều hormone estrogen hơn, trong khi cơ thể nam giới dựa vào hormone androgen.
Estrogen được biết đến như là một loại hormone “tăng cường miễn dịch”, có nghĩa là phụ nữ có hệ miễn dịch mạnh hơn đàn ông. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch tấn công cơ thể, phụ nữ sẽ dễ bị bệnh tự miễn hơn.
Môi trường
Một số yếu tố môi trường có liên quan với nguyên nhân gây bệnh lupus. Các nhà nghiên cứu đã thấy mối liên quan giữa lupus và các chất độc trong môi trường như khói thuốc lá, gel silica natri và thủy ngân. Virus Herpes zoster (virus gây ra herpes zoster) và virus cytomegalovirus cũng trở thành một trong những nguyên nhân gây ra lupus.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus?
Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus như:
- Chủng tộc. Lupus thường xảy ra ở những người có chủng tộc châu Á và châu Phi.
- Dùng thuốc. Một số loại thuốc chống động kinh, thuốc điều trị huyết áp, kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc lupus khi họ ngừng dùng thuốc.
- Tiếp xúc với ánh nắng. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể gây tổn thương da, dẫn đến xuất hiện lupus từ các cơ quan hoặc tế bào ở các cơ quan dễ bị tổn thương.
Những ai mắc bệnh Lupus?
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh lupus. Nhưng chúng ta biết rằng nữ giới mắc lupus nhiều hơn nam giới. Phụ nữ người Mỹ gốc Phi có khả năng mắc lupus nhiều hơn phụ nữ da trắng gấp ba lần. Bệnh cũng phổ biến hơn ở phụ nữ người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha/La-tinh, Châu Á, và Mỹ Bản Địa.
Cả người Mỹ gốc Phi, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha/La Tinh đều có xu hướng mắc bệnh lupus ở độ tuổi trẻ hơn và có nhiều triệu chứng hơn khi chẩn đoán (bao gồm cả vấn đề về thận).
Họ cũng có xu hướng bị bệnh nặng hơn người da trắng. Ví dụ, bệnh nhân người Mỹ gốc Phi có nhiều cơn co giật và đột quỵ hơn, trong khi bệnh nhân người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha/La-tinh có nhiều vấn đề về tim hơn. Chúng tôi không rõ tại sao một số người có vẻ biểu hiện nhiều vấn đề về lupus hơn những người khác.
Lupus phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44. Đây là khoảng thời gian hầu hết phụ nữ đều có thể sinh con. Các nhà khoa học cho rằng hoóc môn của phụ nữ có thể chứa thứ gì đó liên quan đến lupus. Nhưng cần phải nhớ rằng đàn ông và người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh này.
Trẻ em dưới 15 tuổi ít mắc bệnh lupus hơn. Ngoại trừ các em bé sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh lupus. Những trẻ này có thể có vấn đề về tim, gan, hoặc da do bệnh lupus gây ra. Khi được chăm sóc tốt, hầu hết phụ nữ bị lupus có thể có một thai kỳ bình thường và sinh ra em bé khỏe mạnh.
Chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ
Bác sĩ sẽ khám sức khỏe để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của bệnh lupus, bao gồm:
- Phát ban khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Loét niêm mạc có thể xảy ra trong miệng hoặc mũi
- Viêm khớp, sưng hoặc đau khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, đầu gối và cổ tay
- Rụng tóc
- Tóc mỏng
- Dấu hiệu liên quan đến tim hoặc phổi, chẳng hạn như tiếng thổi ở tim hoặc nhịp tim không đều
Không có xét nghiệm đơn lẻ nào giúp chẩn đoán lupus, nhưng chúng có thể giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán, gồm:
- Xét nghiệm máu, chẳng hạn như xét nghiệm kháng thể và công thức máu toàn bộ
- Xét nghiệm nước tiểu
- Chụp X-quang ngực
Các cách điều trị Lupus ban đỏ
Không có cách chữa khỏi bệnh lupus. Mục tiêu của điều trị là kiểm soát các triệu chứng bệnh. Các triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến tim, phổi, thận và các cơ quan khác thường cần được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ sẽ đánh giá người bệnh dựa vào:
- Bệnh hoạt động như thế nào
- Phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng
- Hình thức điều trị nào là cần thiết
Các cách điều trị lupus ban đỏ dạng nhẹ gồm:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) điều trị các triệu chứng khớp và viêm màng phổi. Bạn nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ nếu không có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn.
- Corticosteroid liều thấp, chẳng hạn như prednisone, điều trị các triệu chứng viêm da và viêm khớp.
- Kem corticosteroid trị phát ban da.
- Hydroxychloroquine
- Belimumab
Phương pháp điều trị lupus ban đỏ nặng hơn có thể bao gồm:
- Corticoid liều cao
- Thuốc ức chế miễn dịch (những loại thuốc này ức chế hệ miễn dịch). Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc này nếu corticosteroid không hiệu quả hoặc nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khi bạn ngừng sử dụng thuốc.
- Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm mycophenolate, azathioprine và cyclophosphamide. Do độc tính của nó, bác sĩ chỉ kê cyclophosphamide với liệu trình ngắn từ 3 – 6 tháng. Rituximab cũng được sử dụng trong một số trường hợp.
- Thuốc chống đông máu trị các rối loạn đông máu.
Nếu bạn mắc bệnh lupus, điều quan trọng là:
- Mặc quần áo chống nắng, kính râm và kem chống nắng khi ra nắng.
- Điều trị các vấn đề tim mạch
- Tiêm chủng đầy đủ
- Tầm soát loãng xương
- Tránh hút thuốc lá và rượu bia
Bệnh lupus ban đỏ gây ra biến chứng nào?
Bệnh lupus có diễn tiến phức tạp theo từng đợt ngày càng nặng hơn và gây tổn thương lên khắp các bộ phận quan trọng như thận, tim mạch, thần kinh, hô hấp,… Một số trường hợp nặng còn gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Nếu như không được kiểm soát hiệu quả bệnh này sẽ gây ra tổn thương cho nội tạng trong cơ thể, tương ứng với những dấu hiệu của bệnh.
- Tim: bệnh lupus sẽ gây ra viêm cơ tim, tràn dịch trong màng tim. Nếu kéo dài sẽ gây ra suy tim mạn. Một vài trường hợp biến chuyển tối cấp, viêm cơ tim cấp khiến suy tim cấp và bệnh nhân có thể tử vong vì trụy mạch.
- Phổi: bệnh nhân sẽ khó thở, bị suy hô hấp cấp bởi tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi.
- Thận: lupus hủy hoại cầu thận bởi những phản ứng viêm cầu thận và chuyển sang suy thận.
Lupus gây ra biến chứng nguy hiểm cho cơ thể
- Hệ thần kinh: người bệnh sẽ bị co giật, rối loạn tâm thần.
- Hệ tạo máu: lupus ban đỏ gây ra chứng thiếu máu và xuất huyết. Tình trạng thiếu máu kéo dài làm suy giảm khả năng hoạt động của hệ cơ quan. Song song đó, xuất huyết làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu máu và đe dọa đến tính mạng nếu có xuất huyết não hoặc chèn ép não.
Ngoài ra, người bệnh còn gặp những biến chứng khác gây ra bởi thuốc ức chế miễn dịch. Khả năng miễn dịch bị suy giảm, cơ thể dễ bị lây nhiễm mà không có khả năng kháng cự. Nếu nhiễm trùng diễn biến nhanh dễ gây ra khuẩn huyết khiến bệnh nhân dễ sốc và bị tử vong.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lupus ban đỏ?
Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:
- Không hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và có thể làm trầm trọng thêm các tác động của lupus về tim và mạch máu của bạn;
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin D và omega-3. Đôi khi bạn cần kiêng cữ trong chế độ ăn uống, đặc biệt là nếu huyết áp cao, suy thận hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa;
- Tập thể dục đều đặn để cơ thể tăng sức dẻo dai và đề kháng tốt hơn;
- Tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Bạn có thể dùng kem chống nắng có SPF 50 hoặc cao hơn nếu bắt buộc phải đi ra ngoài;
- Nghỉ ngơi vừa đủ. Nếu bị lupus ban đỏ hệ thống, bạn sẽ thấy mệt ngay cả khi cơ thể không cần nghỉ ngơi, do đó, bạn chỉ nên nghỉ vừa đủ và cố gắng vận động nhẹ nhàng thay vì nằm;
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Gọi bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ của thuốc.
Người mắc lupus ban đỏ nên ăn gì?
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện bệnh. Một số loại thực phẩm mà người bệnh lupus ban đỏ nên bồ sung hàng ngày như:
- Rau xanh và trái cây
- Thực phẩm giàu canxi và vitamin D như phô mai, sữa, sữa chua,… giúp ngăn ngừa loãng xương
- Ngũ cốc nguyên hạt và lúa mì
- Thực phẩm giàu protein và ít chất béo
- Nước: bạn nên uống đủ 1,5-2l nước mỗi ngày
Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên ăn một số loại thực phẩm như:
- Thực phẩm nhiều chất béo
- Đồ uống có caffeine
- Thực phẩm nhiều muối
- Rượu
Lupus ban đỏ thường gặp ở nữ giới. Đây là một bệnh tự miễn và biểu hiện bệnh rất đa dạng, do đó đôi khi chẩn đoán bệnh rất khó khăn. Điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng nhóm thuốc ức chế miễn dịch. Khi bệnh bùng phát, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc theo phác đồ tấn công trong 6-8 tuần cho đến khi lui bệnh và chuyển sang phác đồ điều trị duy trì. Các thuốc ức chế miễn dịch có nhiều tác dụng phụ, do đó bạn nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám thường xuyên ngay cả khi lui bệnh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.