Đau thần kinh tọa hay đau dây thần kinh tọa gây đau nhức cột sống thắt lưng lan xuống hông, sau mông đùi, khoeo chân và gót chân. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển, công việc, sinh hoạt của người bệnh. Vậy nguyên nhân nào gây đau thần kinh tọa? Cách điều trị như thế nào? Hãy cùng VieMed.vn tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Đau thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất của cơ thể, kéo dài từ tủy sống đến hông và mặt sau của cẳng chân. Đau thần kinh tọa là tình trạng đau nhức khi dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc chèn ép.
Đây là triệu chứng biểu hiện của các bệnh lý về dây thần kinh, chứ không phải là một loại bệnh, thường được kiểm soát sau thời gian điều trị từ 4 – 8 tuần.

Triệu chứng đau thần kinh tọa
Các triệu chứng dấu hiệu đau dây thần kinh tọa điển hình bao gồm:
-
Đau lưng kéo dài qua hông và mông, xuống một chân.
-
Cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi ngồi, ho hoặc hắt hơi.
-
Có thể bị tê chân như bị kiến cắn, châm chích.
-
Cơn đau có thể nhẹ, đau nhức buốt, nóng rát hoặc đau cực độ.
-
Đau dây thần kinh tọa nghiêm trọng có thể gây khó khăn khi di chuyển, thậm chí không đi lại được.
Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột và kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đau thần kinh tọa
Tuổi tác
Những thay đổi liên quan đến tuổi ở cột sống, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm và gai cột sống là nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa. Hầu hết những người đau thần kinh tọa thường từ 30 đến 50 tuổi.
Cân nặng
Tăng thêm cân có thể gây áp lực lên cột sống đồng nghĩa với việc là những người thừa cân béo phì hoặc phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị thoát vị đĩa đệm.
Bệnh tiểu đường
Tình trạng này ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh.
Do đặc thù của công việc
Những công việc đòi hỏi phải xoay lưng, mang vác nặng hoặc lái xe cơ giới trong một thời gian dài có thể đóng vai trò không nhỏ trong bệnh đau thần kinh tọa. Hoặc ngồi kéo dài hay có lối sống ít vận động thì có nhiều khả năng mắc bệnh đau thần kinh tọa hơn những người thường xuyên hoạt động.
Đau dây thần kinh tọa có nguy hiểm không?
Đau dây thần kinh tọa là một bệnh lý có tính nguy hiểm nhất định vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng vận động, tinh thần và chất lượng sống của người mắc. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại hơn như:
-
Cơn đau nhức mãn tính dai dẳng: Nếu tình trạng chèn ép dây thần kinh tọa dai dẳng trong thời gian dài không được khắc phục thì có thể chuyển thành mãn tính. Điều này khiến cho cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lệ thuộc vào các phương pháp giảm đau như dùng thuốc, làm trị liệu… Chưa kể, hầu hết các loại thuốc giảm đau khẩn cấp thì về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến chức năng nội tạng gan, thận, dạ dày.
-
Trầm cảm: Cơn đau mãn tính thường ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người bệnh không hề ít. Không hiếm trường hợp người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng hay lo lắng tột độ vì không thể kiểm soát cơn đau dù ở cấp độ nào. Nhiều người có thể rơi vào tình trạng trầm cảm vì khả năng sinh hoạt, vận động bị hạn chế do cơn đau thường dữ dội bất chợt không báo trước hoặc âm ỉ kéo dài từ ngày này sang ngày khác.
-
Biến chứng thả bàn chân: Đây là một tình trạng nhược cơ, mất khả năng vận động một phần của bàn chân hoặc các đầu ngón chân. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh đau thần kinh tọa. Khi rơi vào biến chứng này, việc đi đứng sẽ khó khăn hơn vì các ngón chân kéo lê “quét đất” trên mặt đất khi di chuyển do các ngón chân không thể co duỗi như bình thường.
-
Làm tăng tình trạng thoát vị: Cơn đau thần kinh tọa có thể khiến tình trạng thoát vị nghiêm trọng hơn, nhất là khi người bệnh duy trì các tư thế giảm đau, tăng sức ép lên dây thần kinh.
-
Rối loạn thần kinh thực vật: Hội chứng đau thần kinh tọa có thể ảnh hưởng tới chức năng kiểm soát cơ bàng quang và ruột. Người bệnh có thể gặp rối loạn liên quan đến đại tiểu tiện.
-
Yếu liệt chân: Mặc dù đau thần kinh tọa có thể ảnh hưởng tới cả hai bên chân nhưng đa phần thường là bị đau ở một bên. Nếu tổn thương nặng nề không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận động, lâu ngày gây yếu liệt.
Đau dây thần kinh tọa có chữa được không?
Theo các chuyên gia, đa phần các cơn đau thần kinh tọa nhẹ thì có thể thuyên giảm/biến mất sau vài tuần khi người bệnh chăm sóc bản thân và nghỉ ngơi đúng cách. Tuy nhiên, nếu như các triệu chứng của bệnh ngày càng tồi tệ về cấp độ thì nhất thiết cần phải có sự can thiệp của y tế.
Các bác sĩ vẫn thường khuyến cáo người bệnh nên ưu tiên vào các liệu pháp có thể dễ dàng thực hiện tại nhà (mức độ đau nhẹ) hoặc điều trị bảo tồn không can thiệp phẫu thuật (mức độ đau trung bình đến nặng). Phẫu thuật chỉ thực sự cần thiết khi người bệnh không có đáp ứng với liệu pháp chữa bệnh thông thường hoặc ở những cơn đau nghiêm trọng thực sự, đã có yếu tố rối loạn chức năng.
Một số lựa chọn thường được áp dụng cho người bệnh đau dây thần kinh tọa
Thuốc Tây: Thông dụng nhất là thuốc giảm đau, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc giãn cơ, thuốc vitamin thuốc nhóm B hoặc tiêm corticosteroid…
Sử dụng các bài thuốc dân gian: Dùng các bài thuốc dân gian chữa đau dây thần kinh tọa chỉ áp dụng khi bệnh chỉ ở mức độ nhẹ. Bệnh nhân có thể áp dụng các bài thuốc từ gừng, ngải cứu, lá lốt, cỏ xước…
Sử dụng vật lý trị liệu: Xoa bóp, bấm huyệt, mát xa, châm cứu… Giúp tăng cường khả năng tuần hoàn và lưu thông máu đến các khớp, thuyên giảm cơn đau, giúp người bệnh thoải mái.
Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa?
Khi cơn đau không cải thiện sau khi đã thực hiện các biện pháp tự chăm sóc tại nhà, bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác.

Biện pháp tự chăm sóc tại nhà
Hầu hết trường hợp, các triệu chứng đau dây thần kinh tọa đều giảm bớt sau khi thực hiện các biện pháp tại nhà. Bạn có thể:
-
Chườm mát. Chườm một túi lạnh lên vùng bị đau sẽ giúp xoa dịu triệu chứng trong thời gian đầu. Bạn nên chườm trong tối đa 20 phút mỗi lần và thực hiện vài lần/ngày.
-
Chườm nóng. Sau 2–3 ngày, bạn nên chườm ấm lên vùng bị ảnh hưởng. Nếu cơn đau vẫn tiếp tục kéo dài, hãy thử chườm xen kẽ giữa nóng và lạnh.
-
Thực hiện bài tập giãn cơ. Các bài tập giúp giãn cơ lưng dưới có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và giảm bớt chèn ép ở dây thần kinh tọa. Tránh cử động đột ngột hay xoay vặn người khi thực hiện bài tập, cố gắng kéo giãn người và giữ nguyên tư thế trong ít nhất 30 giây.
Thuốc
Một số thuốc thường được chỉ định trong điều trị đau dây thần kinh tọa là:
-
Thuốc kháng viêm
-
Thuốc giãn cơ
-
Thuốc giảm đau gây nghiện, nhóm narcotic
-
Thuốc chống trầm cảm ba vòng
-
Thuốc chống động kinh
Vật lý trị liệu
Khi cơn đau cấp tính đã cải thiện, bác sĩ thường khuyến khích bạn tham gia chương trình vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, ngăn ngừa tổn thương tái phát trong tương lai. Các bài tập sẽ giúp bạn điều chỉnh tư thế cột sống, tăng cường sức mạnh các cơ bắp hỗ trợ lưng và cải thiện tính linh hoạt các cơ.

Tiêm corticosteroid
Một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm thuốc corticosteroid vào vị trí xung quanh nơi dây thần kinh tọa bị tổn thương. Cách này giúp giảm đau bằng cách ức chế phản ứng viêm quanh dây thần kinh. Hiệu quả của thuốc sẽ hết trong vòng một vài tháng.
Tuy nhiên, bạn không được sử dụng corticosteroid đường tiêm quá nhiều vì có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Phẫu thuật
Đây là lựa chọn cho trường hợp dây thần kinh tọa bị chèn ép nhiều khiến các cơ yếu đi đáng kể, mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang hoặc cơn đau ngày càng nghiêm trọng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Bác sĩ sẽ loại bỏ nguyên nhân gây chèn ép thần kinh như bỏ gai xương hoặc một phần đĩa đệm bị thoát vị.
Chỉnh dáng ngủ
Dáng ngủ đúng sẽ giúp bạn không phải đối mặt với những cơn đau trong khi ngủ. 2 Tư thế ngủ dưới đây sẽ rất tốt cho bạn:
-
Nằm ngửa: Sử dụng 1 cái gối mềm hay một chiếc chăn mỏng rồi kê dưới khớp gối, để cơ thể thoải mái nằm ngửa sẽ giúp cho các đốt sống trở về vị trí vốn có. Bên cạnh đó, đây cũng là cách làm thư giãn dây thần kinh.
-
Nằm nghiêng về phía cơ thể không đau: Đặt 1 cái gối mềm vào giữa 2 bên chân, cùng lúc đó sẽ nằm nghiêng về phía dây thần kinh không đau. Lúc nào bị mỏi, bạn mới chuyển sang trạng thái nằm ngửa như bình thường.
Sử dụng nước ấm để tắm
Tắm nước ấm là cách thư giãn hiệu quả, giúp cho người bệnh tăng tuần hoàn máu, để các cơ bắp bớp co thắt hơn. Nước tắm ở nhiệt độ 30 – 40 độ là thích hợp, bạn có thể lựa chọn tắm vòi sen hay ngâm bồn đều rất tốt.
Các liệu pháp thay thế
Một số liệu pháp thay thế có khả năng cải thiện triệu chứng đau thắt lưng gồm:
-
Châm cứu
-
Trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic)
Cách phòng bệnh đau giây thần kinh tọa
Phòng bệnh bằng cách tập thể dục đều để củng cố cơ lưng và cơ bụng, tập cân đối hai bên, tập bơi, đi xe đạp và duy trì chế độ ăn phong phú đầy đủ canxi và khoáng chất. Tránh lạm dụng bia rượu, cà phê và thuốc lá.
-
Với các vận động viên thể thao: nên khởi động làm nóng các cơ trước khi bước vào bài tập
-
Với dân văn phòng: Khi làm việc: nên giữ tư thế thẳng lưng, mắt nhìn thẳng, vai hơi ngả ra sau. Không nên ngồi quá lâu, mà thay đổi tư thể. Để gối phía sau lưng giúp lưng thẳng.
-
Khi đứng lâu: nên có ghế hoặc điểm tì để kê một bên chân cao lên sau đó đổi chân.
-
Khi bê đồ: nên ngồi xổm xuống sau đó nhấc đồ, hoặc bước 1 chân lên cao hạ gối thấp xuống để cột sống vẫn luôn thẳng. Và nên bê đồ sát vào người.
-
Với người làm nghề nông hoặc công việc chân tay: nên lấy điểm tì là đầu gối để cầm cuốc xẻng và cũng bước 1 chân lên cao trùng gối xuống.
-
Khi đi du lịch: mang balo nên đeo bằng 2 vai cân đối, không xách đồ lệch 1 bên.
-
Khi nằm nên dùng đệm cứng, tránh đệm mềm. Nên để gối gác chân khi nằm nghiêng trong lúc ngủ (tránh nằm ngửa)…
-
Tránh đi giày cao gót.
-
Với người béo phì: nên tăng vận động và giảm cân.
Trên đây là thông tin về bệnh đau dây thần kinh tọa. Nếu có câu hỏi nào, vui lòng để lại phản hồi bên dưới. Đội ngũ VieMed.vn sẽ tích cực phản hồi những câu hỏi của các bạn.