Đại tràng (tên gọi khác: ruột già, ruột kết, kết tràng) là phần xa của ống tiêu hóa, kéo dài từ manh tràng đến ống hậu môn. Nhận thức ăn được tiêu hóa từ ruột non, từ đó nó hấp thụ nước và chất điện giải cô đặc để tạo thành phân. Cùng VieMed.vn tìm hiểu về Biểu Hiện Cảnh Báo Sớm Ung Thư Đại Tràng nhé
Các triệu chứng của ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng thường không được chú ý vì các triệu chứng sớm nghèo nàn và ít gây sự chú ý với người bệnh.
Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng:
- Thay đổi thói quen đại tiện: xen kẽ giữa táo bón và tiêu chảy
- Máu trong phân
- Nhầy trong phân
- Đau bụng quặn cơn, ậm ạch đầy hơi, bí trung tiện, các dấu hiệu của tắc ruột do u lớn làm bít tắc lòng đại tràng
- Cảm giác rằng không đi ngoài hết phân, thường xuyên có cảm giác muốn đi ngoài
- Mệt mỏi
- Giảm cân, thiếu máu không biết lý do
Các yếu tố nguy cơ
- Hút thuốc lá. Đặc biệt là những người đã hút thuốc trong nhiều năm.
- Uống rượu. Nghiên cứu cho thấy một liên kết giữa việc tiêu thụ rượu (ngay cả khi nó là trung bình) và một số loại ung thư : vú, đại tràng và trực tràng, thực quản, thanh quản, gan, miệng và họng.
- Bệnh béo phì và thừa cân.
- Không hoạt động thể lực.
- Chế độ ăn giàu thịt đỏ, thịt chế biến (xúc xích, giăm bông, thịt hun khói, thịt nướng vv), và ít trái cây và rau.
- Thiếu ánh sáng tự nhiên.

Các vị trí ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng có thể ở các vị trí đại tràng phải, đại tràng ngang và đại tràng trái. Mỗi vị trí ung thư đại tràng có biểu hiện triệu chứng bệnh lý và phương pháp điều trị khác nhau cần được lưu ý.
Ung thư đại tràng phải: thông thường là một khối u, nếu ở manh tràng hay ở 1/3 phải đại tràng ngang thì khối u di động nhiều, còn ở đại tràng lên hay ở góc gan phải thì di động ít; nếu khối u đã dính vào thành bụng hay vào một cơ quan lân cận thì có thể không di động hoặc di động ít. Khi khối u di động nhiều, phẫu thuật càng dễ dàng và sau phẫu thuật ít có biến chứng.
Thực tế trong khi phẫu thuật thường thấy khối u to hơn ước lượng qua nắn ở thành bụng trước phẫu thuật. Khối u càng to càng có nhiều mô dính chung quanh, vì vậy khi loại bỏ khối u dễ có nguy cơ làm tổn thương đến các cơ quan lân cận. Khối u ung thư ở đại tràng phải ít khi làm hẹp, gây tắc ruột mặc dù chúng thường to hơn khối u ung thư ở đại tràng trái và khối u này hay bị nhiễm khuẩn nhiều hơn.
Lúc mở khối u thấy có nhiều ổ mủ trong thành hoặc ở mặt trên, do đó về lâm sàng dễ nhầm lẫn với áp-xe ruột thừa hoặc áp-xe túi mật. Nắn bụng có thể thấy khối u di động ít hay nhiều. Nếu ung thư manh tràng thì khối u nằm ở hố chậu phải dễ nhầm lẫn với bệnh lao góc hồi – manh tràng, nếu khối u ở góc gan thì loại u lớn mới có thể nắn thấy và dễ nhầm lẫn với u ở gan hay ở thận.
Ung thư đại tràng ngang: Gặp ít hơn ung thư đại tràng phải và đại tràng trái. Do đại tràng ngang thường dài và di động dễ dàng nên khối u ở đoạn này có thể thấy ở bất cứ vùng nào trong hố bụng và khi tiến triển có thể dính với gan, mật, dạ dày, ruột non, đại tràng xích ma, phần phụ, tử cung và cả với bàng quang. Lòng đại tràng ngang rộng nên khối u ít khi gây tắc ruột nhưng dễ bị nhiễm khuẩn.
Tổn thương ung thư có thể thấy 3 dạng gồm: dạng u thường to, mô u giống mô não, thấy nhiều ở đoạn 1/3 phải và đoạn 1/3 giữa; dạng thắt với đoạn có ung thư bị co thắt lại, thành cứng, thấy nhiều ở đoạn 1/3 trái; dạng loét rất hiếm gặp. Việc chẩn đoán trong giai đoạn đầu rất khó, đến giai đoạn có khối u thì chẩn đoán dễ dàng hơn nhưng cũng có thể bị nhầm lẫn với khối u ở các cơ quan khác. Việc chẩn đoán xác định phải thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Ung thư đại tràng trái: khối u ở đại tràng trái có tính chất chung là kích thước nhỏ, có xu hướng làm hẹp lòng đại tràng, có loại bị thâm nhiễm cứng; đoạn bị cứng có khi dài khi ngắn, thường gặp ở đại tràng xích ma. Chẩn đoán xác định cũng căn cứ vào các xét nghiệm cần thiết như chụp phim X-quang, siêu âm, soi trực tràng – đại tràng… Việc điều trị bằng phẫu thuật đã có nhiều tiến bộ và kết quả cũng khả quan hơn.
Viêm tuyến tiền liệt là gì? Các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Ai sẽ có nguy cơ mắc bệnh ?
Một số yếu tố nguy cơ do lối sống sẽ có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Trên thực tế, mối liên hệ giữa chế độ ăn uống, cân nặng và sự vận động với nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng là một trong các nguy cơ cao nhất cho bất kỳ loại ung thư nào.
Thừa cân hoặc béo phì: nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì (thừa cân nhiều) thì nguy cơ phát triển và tử vong vì ung thư đại trực tràng sẽ cao hơn. Tình trạng thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng cho cả nam và nữ nhưng nguy cơ ở nam giới sẽ cao hơn.
Thiếu hoạt động thể chất: nếu bệnh nhân không hoạt động thể chất thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao hơn. Việc vận động nhiều hơn có thể giúp giảm nguy cơ gây bệnh.
Một số loại thực phẩm: chế độ ăn có nhiều thịt đỏ (như thịt bò, heo, cừu, hoặc gan) và thịt chế biến (như xúc xích và thịt hộp) có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các món được làm bằng cách chiên, nướng, hoặc quay sẽ tạo ra các chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng mức độ gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng vẫn chưa được xác định. Chế độ ăn nhiều rau củ, trái cây và gạo nguyên hạt có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng nhưng việc bổ sung chất xơ thì chưa được chứng minh là mang lại hiệu quả.
Hút thuốc: những người hút thuốc lá trong thời gian dài sẽ có nhiều nguy cơ phát triển và tử vong vì ung thư đại trực tràng hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc là một nguyên nhân gây ung thư phổi được nhiều người biết đến và cũng có liên quan đến các loại ung thư khác, như ung thư đại trực tràng.
Uống nhiều rượu/bia: ung thư đại trực tràng có liên quan đến việc uống nhiều rượu/bia. Việc hạn chế uống rượu/bia không quá hai ly/ngày ở nam giới và một ly/ngày ở nữ giới có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, kể cả việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Cao tuổi: người trẻ tuổi có thể phát triển ung thư đại trực tràng nhưng nguy cơ sẽ tăng rõ rệt khi bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi.
Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc pô-lýp tuyến: phần lớn những người bị ung thư đại trực tràng không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, có đến 1/5 số người bị ung thư đại trực tràng có thành viên trong gia đình mắc căn bệnh này.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.
Có hội chứng di truyền: khoảng 5% đến 10% số người bị ung thư đại trực tràng có thừa hưởng khiếm khuyết gen (đột biến gen) mà có thể gây ra các hội chứng ung thư gia đình và làm cho những người này bị mắc bệnh. Các hội chứng di truyền có liên quan đến ung thư đại trực tràng phổ biến nhất là Pô-lýp tuyến gia đình (FAP) và Hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng di truyền không do pô-lýp hoặc HNPCC), tuy nhiên các hội chứng hiếm gặp khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng có chữa được không?
Dù đứng thứ 3 trong số các căn bệnh ung thư có nguy cơ tử vọng cao nhất, ung thư đại tràng có thể chữa khỏi khi được phát hiện sớm.
Nếu chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, kết hợp tuân thủ quy định điều trị của bác sĩ, người bệnh có thể chữa khỏi bệnh, có thể sống lâu hơn so với việc phát hiện và điều trị khi bệnh phát triển quá mức.
Phương pháp điều trị ung thư đại tràng theo từng giai đoạn
Tùy vào từng giai đoạn bệnh sẽ có cách điều trị phù hợp để đem lại hiệu quả chữa trị cao nhất.
Biểu hiện bệnh ung thư đại tràng của từng giai đoạn:
Giai đoạn 1:
Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, được phát hiện và điều trị thì khả năng sống của bệnh nhân lên tới 90%, và có thể chữa khỏi nếu được điều trị tích cực. Ung thư đại tràng giai đoạn 1 có dấu hiệu như: Táo bón, đau bụng, đại tiện có lẫn máu, mệt mỏi.
Giai đoạn 2:
Biểu hiện bệnh của ung thư giai đoạn 2 đã rõ ràng hơn giai đoạn trước. Người bệnh thấy mệt mỏi nhiều hơn, chán ăn do khẩu vị thay đổi, thường xuyên đi ngoài ra máu và sụt cân bất thường.

Giai đoạn 3:
Ung thư đại tràng giai đoạn 3 là khi tế bào ung thư đã di căn ra bên ngoài và đi đến các hạch bạch huyết xung quanh đại tràng nhưng chưa lan đến các cơ quan khác của cơ thể. Biểu hiện bệnh của giai đoạn này rõ ràng hơn 2 giai đoạn đầu:
– Chảy máu khi đại tiện, số lần đi đại tiện tăng lên nhiều
– Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, thay đổi hình dạng phân kéo dài
– Chướng bụng, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn
– Đau hậu môn, không kiểm soát được sự co thắt của hậu môn
– Mệt mỏi, thiếu máu, xanh xao, phát sốt bất thường
– Sụt cân nhanh chóng
Giai đoạn 4:
Khi đã đến giai đoạn 4 thì sức khỏe và tính mạng của người bệnh gặp nhiều rủi ro và sẽ có những biểu biện như: Đau bụng, lưng, sườn, vàng da, sốt, chán ăn, sưng tay chân, chóng mặt, mờ mắt, đau đầu dữ dội, mất phương hướng, khó thở; mầu nước tiểu lạ, nổi bọt bong bóng; sụt cân, suy nhược cơ thể trầm trọng.
Phương pháp điều trị
- Phương pháp phẫu thuật
Phương pháp này có vai trò chính trong điều trị triệt căn ung thư đại tràng. Có tỷ lệ tái phát cao do phẫu thuật không thể lấy hết các tế bào vi di căn. Phẫu thuật triệt căn bao gồm phương pháp truyền thống (mở ổ bụng hoặc ở vùng xương chậu để cắt bỏ đi trực tràng bị ung thư) và phương pháp nội soi.

- Hóa trị:
Cách phổ biến nhất của hóa trị là tiêm tĩnh mạch. Phương pháp này được dùng để chỉ định hỗ trợ phẫu thuật các khối u ác tính bên trong đại tràng hiệu quả nhất. Nếu hóa trị trước phẫu thuật thì sẽ giúp thu nhỏ các khối u và dễ dàng cắt bỏ đi khi phẫu thuật. Nếu sau phẫu thuật dùng hóa trị sẽ tiêu diệt được những tế bào ung thư còn sót lại khi phẫu thuật. Từ đó giảm đi nguy cơ tái phát.
- Xạ trị:
Đây là phương pháp sử dụng năng lượng cao tia X-quang để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng trước và sau khi phẫu thuật, có 2 loại xạ trị phổ biến là xạ trị tia chum ngoài và liệu pháp xạ trị lập thể.
- Những phương pháp khác
– Thuyên tắc động mạch: Chặn các mạch máu nuôi khối u đồng thời kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị để tiêu diệt khối u.
– Điều trị bằng thuốc kháng thể đơn dòng và thuốc phân tử nhỏ: Các nhà nghiên cứu hy vọng việc điều trị khối u bằng kháng thể đơn dòng và thuốc phân tử nhỏ sẽ đặc hiệu hơn các loại thuốc hóa trị và ít tác dụng phụ hơn.
– Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp này làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn tế bào ung thư lan rộng sang các cơ quan khác, cải thiện hệ thống miễn dịch giúp tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.
Khuyến cáo của Hội Ung thư Mỹ về sàng lọc ung thư đại trực tràng:
Đối với người có nguy cơ mắc bệnh trung bình và trên 50 tuổi:
· Nội soi đại tràng sigma ống mềm 5 năm/lần.
· Nội soi đại tràng 10 năm/lần.
· Chụp cản quang kép dùng thuốc thụt barium 5 năm/lần.*.
· Chụp cắt lớp vi tính đại tràng 5 năm/lần.*.
· Xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân hàng năm*.
· Xét nghiệm hóa miễn dịch phân hàng năm*.
· Xét nghiệm tìm DNA 3 năm/lần.*.
*: Nếu kết quả các xét nghiệm này dương tính thì bắt buộc phải nội soi đại trực tràng ống mềm để kiểm tra.
Đối với người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng:
Những người này nên bắt đầu sàng lọc sớm trước 40 tuổi và tiến hành thường xuyên hơn.